9
Ước nguyện của tôi, vừa linh lại vừa không linh.
Năm thứ hai, ba mẹ tôi thật sự bắt đầu ở nhà suốt.
Đến năm thứ ba, mẹ sinh ra một cặp song sinh – một trai, một gái.
Ba mẹ lại vì chuyện đặt tên cho hai đứa mà cãi nhau đến trời long đất lở.
Còn tôi, chẳng buồn bận tâm, chỉ lặng lẽ ngồi bên giường bệnh của bà ngoại – người đã đặt tên cho tôi năm nào.
Bà nghe nói ba mẹ tôi vì cái tên của em trai em gái mà suốt ngày tranh cãi, chỉ khẽ hừ lạnh một tiếng:
“Hừ, tên mà bà đặt mới gọi là hay.”
“An Duyệt, con phải nhớ kỹ nhé, cái tên của con nghĩa là bà hy vọng cả đời này con luôn được bình an và vui vẻ.”
Bà xoa nhẹ đầu tôi, giọng khẽ đến mức như gió thoảng:
“Nhất định… phải sống đúng như điều bà mong mỏi.”
Sau đó, bà để lại căn nhà cho tôi, còn tiền bạc thì đưa hết cho ba mẹ.
Trước mặt họ, bà nói:
“Sổ tiết kiệm này cũng chẳng còn được bao nhiêu, thôi thì để lại căn nhà cho An Duyệt còn hơn.”
Ba mẹ tôi không phản đối gì cả.
Họ từng nói căn nhà này vừa ở khu xa, lại vừa cũ kỹ.
Sau lưng người khác, bà ngoại nắm lấy tay tôi, nhẹ nhàng vỗ về:
“Ít nhất thì cũng để lại cho con một nơi có thể quay về.”
Bà nói, đến năm tôi mười tám tuổi sẽ tặng cho tôi một bất ngờ.
Tôi lắc tay bà, cười nói rằng, con chỉ cần có bà là đủ rồi.
Bà ngoại chỉ mỉm cười, không đáp.
Tôi nghĩ, lúc đó chắc bà đã đoán được cả rồi.
Đoán được rằng bà sẽ rời xa tôi.
Cũng đoán được rằng ba mẹ tôi rồi sẽ ly hôn.
Hồi ấy, ba mẹ cuối cùng cũng thống nhất được tên của hai đứa nhỏ,mỗi người đặt một cái.
Họ vui vẻ ở phòng khách gọi tên đứa con do chính mình đặt,hai đứa nhỏ bi bô học nói, líu ríu đáp lại.
Còn tôi ôm chiếc hũ sứ, lặng lẽ trốn trong phòng.
Tôi nghĩ, may mà tên của mình là do bà ngoại đặt.
Như vậy… chúng tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên nhau.
10
Những ký ức cũ lướt qua trong đầu.
Ba mẹ tôi ly hôn vội vàng đến mức chẳng để lại cho tôi bất cứ thứ gì.
Điện thoại cũng không thể gọi được cho ba mẹ.
Không còn cách nào khác, tôi đành đập vỡ con heo đất của mình.
Nhưng cảnh tượng trong tưởng tượng tiền xu lăn đầy đất, tiền giấy đỏ rực rơi lả tả lại không xuất hiện.
Chỉ có đúng hai tờ năm mươi màu xanh.
Còn là lúc tôi mới mua con heo đất này, bỗng dưng nổi hứng nhét vào.
Đôi lúc tôi thật sự khâm phục chính mình… tiêu tiền như nước chảy.
May là số tiền này vẫn còn đủ để nạp thêm vào thẻ ăn.
Đợi đến hết cuối tuần, quay trở lại trường,số dư tài khoản điện thoại của tôi cũng chỉ còn đúng một con số 0 tròn trĩnh.
Tất cả tài sản trên người chỉ còn lại đúng một trăm năm mươi tệ tiền mặt.
Tôi thật sự muốn đăng ký một suất học sinh hoàn cảnh khó khăn.
Nhưng đến cả sổ hộ khẩu cũng không nằm trong tay tôi.
Nghèo đến mức khiến tôi nảy ra ý định… đi trộm.
Nghĩ là làm.
Tối hôm đó, sau khi tan học buổi tự học, tôi tranh thủ lúc trời tối đen, len lén chạy đến bãi rác sau trường.
Trước khi đi, tôi còn đặc biệt mượn Hứa Diệu một cái túi rác siêu to.
Cô ấy hỏi tôi định làm gì.
Tôi đáp: “Đi làm một phi vụ lớn.”
Cô ấy khuyên tôi: “Quay đầu là bờ, chớ sa chân vào con đường tăm tối.”
Rồi từ trong góc ký túc xá moi ra một cái bao tải vải, đưa cho tôi.
Tôi gật đầu đầy khí thế.
Chỉ là… không biết đi nhặt ve chai trong bãi rác có tính là “việc làm mờ ám” hay không nữa.
11
Tháng ba mùa xuân, nhưng tôi vẫn cảm thấy như đang giữa mùa đông.
Trời tối, lạnh cắt da cắt thịt.
Tôi phải mặc thêm mấy lớp áo, co ro mãi mới dám bước ra khỏi phòng.
Đêm khuya, xung quanh bãi rác chỉ có ánh đèn đường leo lét, chẳng thấy bóng người nào.
Chắc là lạnh quá nên chẳng ai ra ngoài.
Đến cả tôi kẻ đã quấn mình thành một cục cũng rét run bần bật.
Nhưng ngọn lửa kiếm tiền trong lòng tôi lại đang cháy bừng bừng.
Lạnh thì có gì đáng sợ?
Nghèo mới thật sự là khủng khiếp!
Tôi bắt đầu lục trong đống rác, tìm ra từng vỏ chai nhựa, lon nhôm bị vứt đi.
Trường tôi xây trên một quả đồi nhỏ,lại nằm ở khu vực khá hẻo lánh.
Học sinh đi học về trong ngày thì rất ít.
Ra vào cổng trường còn cần phải có thẻ thông hành dành cho học sinh đi về hàng ngày, mà nhiều người lại không có.
Trong trường thì chỉ bán nước khoáng đóng chai,nên thật ra số lượng chai lọ, lon lon cũng chẳng nhiều gì cho cam.
Tôi tranh thủ ánh đèn lờ mờ dưới đất,len lén nhặt từng chiếc chai nhựa, lon nhôm cho vào bao tải.
Tôi đã tính toán kỹ rồi.
Tối nay gom đủ, trưa mai nhân lúc học sinh đi về tan học,tôi sẽ cầm theo cái “thẻ thông hành hàng fake” mà tôi làm, đem đống phế liệu ép lại rồi lén mang ra ngoài bán.
Ai ngờ, vừa mới gom xong một bao,
xa xa đã có luồng ánh sáng mạnh rọi thẳng xuống mặt đất.
“Ê! Ai đó? Nửa đêm nửa hôm lén la lén lút làm gì vậy hả?”
Tôi lập tức tránh khỏi luồng sáng, căng mắt nhìn là bác bảo vệ đang đi tuần đêm.
Mà mấy thứ phế liệu kéo đi thì lại phát ra tiếng động.
Cân nhắc thiệt hơn một hồi, cuối cùng tôi đành vứt lại cả bao đồ,vội vội vàng vàng chạy trốn ra sau dãy nhà học để ẩn nấp.
Tôi định chờ một lúc, tìm cơ hội lén mang cái bao đó ra chỗ khác giấu đi.
Thế nhưng bác bảo vệ lại cứ đi qua đi lại ở khu vực đó, vừa đi vừa lẩm bẩm:
“Gì thế này, ban nãy rõ ràng có cái bao to tướng nằm đây mà…”
Là “cái bao” chính chủ, tôi chỉ có thể im lặng chịu đựng.
So với việc bị bắt vì tội lang thang ban đêm không về ký túc, tôi đành cắn răng nhẫn nhịn.
Không còn cách nào khác, tôi đành lén quay về phòng.
Tắm rửa xong xuôi, tôi nằm trên giường, tự nhủ sáng hôm sau phải dậy thật sớm,để đến đó giấu cái bao phế liệu kia đi.
12
Ừm, đời mà… chuyện gì mình sợ, thì nó chắc chắn sẽ xảy ra.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, nhìn đồng hồ báo thức đã là sáu giờ rưỡi.
Cảm giác như cả trường đều đã thức dậy cả rồi.
Tôi vẫn nuôi hy vọng mong manh, vòng ra gần bãi rác trong lúc dọn vệ sinh khu vực công cộng.
Kết quả người phụ trách quét dọn mấy góc khuất trong trường hôm nay lại đang đứng trong bãi rác.
Cô lao công ấy bình thường rất thân thiết với cô chủ nhiệm lớp tôi.
Hai người họ đang trò chuyện.
Tôi trợn tròn mắt, vểnh tai nghe lén.
Cô chủ nhiệm nói:
“Chị đến từ sáu giờ à? Sớm thế, vất vả quá.”
Cô lao công mỉm cười:
“Không vất vả đâu, có công việc thế này là tốt lắm rồi.”
“Chị cũng đâu dễ dàng gì… một mình nuôi ba đứa con, chồng lại đang nằm viện…” Cô chủ nhiệm thở dài.
Thế nhưng cô lao công lại khẽ lắc đầu:
“Cứ gắng gượng rồi cũng sẽ qua thôi. Trường này còn cho tôi gom ve chai đem bán, tốt lắm rồi.”
“Học sinh ở đây cũng ngoan, đôi khi còn cho tôi nước uống nữa.
Chị nhìn xem, không biết tối qua ai còn giúp tôi gom hết đống phế liệu lại, sáng nay dọn nhẹ nhàng hơn hẳn.”
Tay tôi khựng lại giữa chừng.
Sau khi cô chủ nhiệm rời đi, tôi lại cúi đầu tiếp tục quét dọn.
Ánh mắt thi thoảng liếc nhìn về phía bóng dáng bận rộn bên cạnh thùng rác.
Thì ra cô ấy phải dựa vào việc này để nuôi cả một gia đình.
Thật vất vả.
Xem ra…
công việc “nhặt ve chai” của tôi lại một lần nữa phải kết thúc rồi.
Dù sao tôi có kiếm ít đi một chút cũng không sao.
Tôi chỉ phải lo cho mỗi bản thân mình.
Còn người ta… còn phải nuôi tận ba đứa con cơ mà.