5
Nói ra những lời ấy với chính đứa con mà mình đã dùng nửa mạng sống để sinh ra…
Cuối cùng vẫn khiến người ta nghẹn ngào, không kìm được mà đau lòng.
Tôi đã không còn nhớ rõ, bắt đầu từ khi nào Hách Vũ Thì ngày càng giống Hách Khuynh đến vậy.
Tôi và Hách Khuynh là mối hôn nhân sắp đặt từ rất sớm.
Từ năm tôi mười bốn tuổi, khi ông nội và cha tôi cùng các trưởng bối nhà họ Hách bước ra khỏi thư phòng với nụ cười đầy hài lòng.
Tôi liền bị nhà họ Hách xem như con dâu tương lai mà nuôi dạy.
Khi còn đi học, nhiều bạn cùng lớp đều ghen tỵ với hoàn cảnh gia đình của tôi.
Tôi không thể phản bác, chỉ có thể gượng cười.
Cuộc sống của tôi đầy đủ, sung túc, chỉ tiếc là… không có tự do.
Kỳ thi trung học cơ sở năm đó, tôi thi không tốt.
Nửa đêm, mẹ tôi càng nghĩ càng tức, cho rằng tôi làm bà mất mặt, xông vào phòng, lôi tôi dậy rồi tát thẳng một cái vào mặt.
Lên cấp ba, tôi phản kháng, vướng vào mối tình đầu.
Bố tôi bù cho mẹ một cái tát khác.
Ông cảnh cáo tôi, nếu không muốn gả vào nhà họ Hách, thì chỉ có thể chọn những doanh nhân lớn hơn tôi gần hai mươi tuổi.
Lần đầu tiên tôi gặp Hách Khuynh là năm tôi mười lăm.
Cuộc gặp mặt được sắp xếp bởi hai bên gia đình.
Khi đó, Hách Khuynh rất khác bây giờ , là một thiếu niên hay cười, mọi cảm xúc đều viết rõ trên mặt.
Ấn tượng của tôi về anh không sâu đậm lắm.
Chỉ nhớ chiếc sơ mi trắng dưới bầu trời xanh nhạt, và đôi mắt đong đầy cảm xúc.
Về sau, tôi nghe nói anh từng vì mối tình đầu mà chiến tranh lạnh với gia đình.
Tôi vừa khâm phục, vừa ghen tỵ.
Ít nhất… anh dám phản kháng, anh có quyền lựa chọn.
Nhưng cũng chẳng bao lâu sau đó, mẹ Hách đến nhà tôi chơi.
Bà mỉm cười nhã nhặn, có phần áy náy, nắm tay mẹ tôi mà nói:
“Chị cứ yên tâm, chuyện của Hách Khuynh tôi đã xử lý xong xuôi rồi.”
Tôi trốn ở cửa, lặng lẽ nghe trộm, trong lòng bỗng thấy hụt hẫng.
Nghĩ thầm: quả nhiên là vậy.
Từ đó, gia đình tôi bắt đầu liên tục sắp xếp những buổi gặp mặt giữa tôi và Hách Khuynh.
Ban đầu anh vẫn còn kháng cự, đối xử với tôi không mấy hòa nhã.
Nhưng dần dà, anh cũng chấp nhận.
Thỉnh thoảng sẽ chủ động nói với tôi vài câu.
Tôi cũng tận mắt chứng kiến anh từ một thiếu niên đầy gai góc dần dần trở nên trầm mặc, thu lại mọi cảm xúc trên gương mặt.
Mùi hoa dành dành điều chế riêng trên người anh, cũng theo thời gian mà tan biến vào không khí.
6
Mãi cho đến năm tôi hai mươi tuổi, còn Hách Khuynh hai mươi tư.
Trên đường đến dự một buổi tiệc rượu ở thành phố C, chúng tôi bất ngờ gặp sạt lở núi, bị mắc kẹt trong xe.
Cả hai bị vùi dưới đất đá suốt một ngày một đêm.
Khi đội cứu hộ tìm thấy, ký ức cuối cùng của tôi là cánh tay anh dang ra che lấy tôi, bị khung xe đổ nát đâm xuyên, máu thịt bầy nhầy.
Lúc tôi tỉnh lại, điều đầu tiên anh làm… là cầu hôn tôi.
Trước mặt toàn bộ người nhà tôi và nhà họ Hách, anh hỏi:
“Lâm Diểu, em có nguyện ý trở thành vợ anh không?”
Khi ấy, tôi nhìn cánh tay anh quấn đầy băng trắng.
Nhớ lại khoảnh khắc bị vùi trong xe, anh hoảng hốt gọi tên tôi, dặn tôi rằng…
“Lâm Diểu, đừng ngủ…
Bây giờ mà em ngủ đi, thì sẽ thật sự chẳng còn tự do nữa đâu!”
Không hiểu sao, tôi lại đặt tay mình vào lòng bàn tay anh.
Cũng chính khoảnh khắc ấy, tôi đã bỏ qua đôi mắt cụp xuống kia – bình lặng đến mức không gợn sóng, như thể chỉ đang hoàn thành một nghi thức bắt buộc phải thực hiện.
Thế là chúng tôi kết hôn.
Bốn năm sau, như mong muốn của tất cả mọi người, chúng tôi có một đứa con.
Ngay từ lúc chào đời, Hách Vũ Thì đã được cả hai bên nội ngoại yêu chiều hết mực.
Mẹ Hách cho rằng thằng bé cần nhận được nền giáo dục ưu tú nhất – giống hệt như Hách Khuynh năm xưa.
Vậy nên, nó đã đổ ly sữa ấy đi.
Giống như cha nó, dùng khuôn mặt ngây thơ nhất nói lời xin lỗi với tôi, nhưng lại làm ra việc mà nó cho là hoàn toàn đúng đắn.
7
Tôi không biết rốt cuộc hai cha con họ đang nghĩ gì.
Chưa đến một tuần sau.
Tôi lại nhận được cuộc gọi từ Hách Khuynh.
Anh dùng một số khác để gọi.
Vì tôi đã chặn số cũ của anh rồi.
Dây dưa không dứt , chuyện này vốn không giống phong cách của Hách Khuynh chút nào.
Sau khi cuộc gọi được kết nối, đầu dây bên kia im lặng vài giây.
Ngay khi tôi đang định dập máy vì thấy vô lý…
Thì giọng Hách Khuynh truyền đến.
“Lâm Diểu.”
Anh gọi tên tôi.
“Bố mẹ em nói em không về nhà.”
“Em đang ở đâu?”
“Là Nam Thị à?”
Anh tra tìm tôi.
Tôi biết anh có khả năng đó.
Nhưng trong lòng lại dâng lên một cơn giận khó tả.
Suốt chín năm cuộc hôn nhân giữa chúng tôi, anh luôn lạnh nhạt, xa cách, giống như hai người lạ chỉ tình cờ sống dưới cùng một mái nhà.
Vậy mà mới nửa tháng trôi qua, số cuộc gọi anh dành cho tôi còn nhiều hơn cả một năm cộng lại.
Trước đây, mỗi khi tôi nhắn tin hỏi anh:
【Tối nay anh có về ăn cơm không?】
【Anh đang họp à?】
【Dạ dày anh có đau không, em nấu ít cháo mang qua cho nhé?】
Câu trả lời anh dành cho tôi, nhiều nhất chỉ là một chữ: 【Ừ.】
Còn lại, chỉ là một màn hình xanh đầy tin nhắn từ một phía.
Còn bây giờ, anh lại như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Trong điện thoại, giọng anh khàn khàn hỏi tôi:
“Lâm Diểu, hôm nay anh đi tiếp khách, uống hơi nhiều, dạ dày hơi khó chịu… thuốc em để ở đâu?”
“Còn nữa, Hách Vũ Thì bị lây cảm ở trường mẫu giáo, sốt đến 38 độ, cứ khóc nhè mãi. Trước đây em làm cách gì để thằng bé dễ chịu hơn?”
Cơn giận trong tôi bùng lên dữ dội.