Trong cung ai ai cũng biết, chỉ cần tiện tay bố thí cho ta chút đồ ăn, thì dù ta là một công chúa ngốc nghếch, cũng sẽ ngoan ngoãn làm bất cứ chuyện gì.
Thái phó phong nhã như ánh trăng sáng, chỉ tùy tiện cho ta một miếng bánh ngọt, ta liền quấn lấy người suốt bao năm trời.
Tuy ngoài mặt người chẳng biểu lộ gì, nhưng sau lưng lại vô cùng chán ghét ta, thẳng thừng nói ta không biết xấu hổ, còn bảo ta hận không thể tự dâng gối gấm.
Ta chẳng hiểu “không biết xấu hổ” hay “tự dâng gối gấm” nghĩa là gì, chỉ biết Thái phó cho ta đồ ngon, người là người tốt, ta thích người, ta phải báo đáp ơn đó.
Cho đến khi chiến sự ngoài ải truyền về tin thất bại, phụ hoàng định gả tam hoàng tỷ mà người thương nhất đi hòa thân.
Mẫu phi của tam hoàng tỷ — Hoàng quý phi — đích thân đến tìm ta, còn mang theo một hộp bánh điểm tâm, cầu xin ta thay tam hoàng tỷ đi hòa thân.
Ta lau vụn bánh dính bên khóe miệng, tiện tay phẩy phẩy:
“Đừng lo, nương nương, chỉ là gả cho một người thôi mà. Tam hoàng tỷ không muốn đi, thì để ta đi thay là được rồi!”
1
Bị thị vệ trước Ngự thư phòng ngăn lại, lúc ấy ta mới nhận ra mình đã đồng ý chuyện này quá nhẹ dạ.
Phụ hoàng dường như đã quên mất còn có một đứa con gái như ta, thị vệ trước cửa dĩ nhiên chẳng chịu vào bẩm báo.
Nhưng Hoàng quý phi nương nương đã cho ta hẳn một hộp bánh hoa quế kia mà, nếu không làm xong chuyện này, chẳng phải ta đã ăn bánh người ta một cách uổng phí sao?
Ta gãi đầu suy nghĩ, linh quang chợt lóe, liền xoay người hét to về phía trong Ngự thư phòng:
“Phụ hoàng! Phụ hoàng! Là Thập Lục đây ạ! Người mở cửa đi!”
Thị vệ quát lớn: “Vô lễ! Ngự thư phòng là nơi trọng địa, sao để một tiểu nữ tử như ngươi làm càn thế hả?!”
Bọn họ cầm trường mâu định xông tới đâm ta.
Ta vội vàng bỏ chạy, vừa chạy vừa vòng quanh Ngự thư phòng, miệng không ngừng hô:
“Phụ hoàng! Phụ hoàng! Là Thập Lục! Thập Lục có chuyện muốn gặp người đó!”
“Ai đang ồn ào ở đây vậy hả?!”
Cửa Ngự thư phòng đột nhiên mở ra, từ bên trong bước ra một nhóm người.
Hoàng quý phi nương nương đã sớm dặn ta rằng, phụ hoàng mặc long bào màu vàng, trên áo có thêu con rồng năm móng.
Ta vừa nhìn liền nhận ra ngay phụ hoàng, thở hồng hộc vẫy tay về phía người:
“Phụ hoàng, người mau bảo họ đừng đuổi nữa, Thập Lục sắp mệt chết rồi đây này!”
Phụ hoàng phẩy tay ra hiệu cho thị vệ lui xuống, nhíu mày nhìn ta:
“Ngươi là Thập Lục? Thập Lục nào?”
Ta lập tức quỳ sụp xuống đánh “bịch” một tiếng, dập đầu hai cái thật vang, giòn tan thưa:
“Thập Lục ở Đông điện Hàm Phúc cung, mẫu phi là Lâm mỹ nhân.”
“Lâm mỹ nhân nào?”
Một thái giám già đứng cạnh lập tức cúi đầu nói khẽ:
“Là cung nữ từng hầu hạ Hoàng hậu nương nương trước kia. Đêm đầu được thị tẩm khiến Bệ hạ không vui, từ đó về sau không còn được triệu hạnh nữa. Sau này sinh hạ Thập Lục công chúa, Bệ hạ quên chưa ban tên.”
Một vị Đáp Ứng ở Tây điện Hàm Phúc cung từng nói với ta, mẫu phi ta vốn là cung nữ chuyên châm đèn trong Phượng Nghi điện.
Năm đó Hoàng hậu thân thể không khỏe, phụ hoàng liền tiện tay chọn một cung nữ ở Phượng Nghi cung để thị tẩm.
Người bị chọn chính là mẫu phi ta. Khi ấy lòng nàng đã nguội lạnh—nàng chỉ còn một năm nữa là được ra cung, vị hôn phu thì đang làm thị vệ trong cung.
Hai người tình đầu ý hợp, không chút nghi ngờ, chỉ đợi ngày nàng xuất cung là sẽ thành thân.
Nàng từng cầu xin phụ hoàng tha cho mình, nhưng phụ hoàng càng thêm giận dữ. Sau khi cưỡng ép nàng, liền tùy tiện phong cho nàng danh phận “Mỹ nhân”, rồi ném vào nơi như lãnh cung—Hàm Phúc cung.
Cho dù mẫu phi mười tháng hoài thai sinh ra ta, người cũng chưa từng đến thăm lấy một lần.
Thậm chí còn không ban cho ta cái tên.
Phụ hoàng dường như vẫn chẳng nhớ nổi ai là Lâm mỹ nhân, ai là Thập Lục công chúa.
Người cười hiền hòa hỏi ta:
“Tiểu Thập Lục, con đến tìm phụ hoàng có chuyện gì vậy?”
“Con muốn lấy chồng!”
Ta ngẩng đầu nhìn người, cũng cười: “Thập Lục lớn rồi! Có thể lấy chồng rồi đó!”
Ngự thư phòng vốn đang yên ắng bỗng chốc vang lên một tràng cười lớn, phụ hoàng đỡ ta dậy, xoa đầu ta, tựa như ta là nữ nhi mà người sủng ái nhất.
“Thập Lục muốn gả cho ai? Để phụ hoàng ban hôn cho con, được không?”
Lão thái giám đứng bên chen vào góp vui:
“Nghe nói Thập Lục công chúa và Thái phó Lục khá thân thiết.”
Phụ hoàng ngạc nhiên nhướn mày: “Tiểu Thập Lục thích Thái phó Lục à?”
Giữa đám người, sắc mặt Lục Kính Bạch lập tức biến đổi, mím chặt môi, ánh mắt nóng rực dừng lại trên người ta, tựa như rất căng thẳng.
Có lẽ… rất sợ ta nói mình muốn gả cho chàng.
Lục Kính Bạch không thích ta, thật ra ta vẫn luôn biết điều đó.
Chàng là người rất tốt, chúng ta quen nhau cũng là bởi vì chàng từng giúp ta.
Có một năm mùa đông, chàng vô tình bắt gặp ta đang bị tiểu thái giám đè xuống đất, bắt bắt chước chó bò chỉ vì muốn đổi lấy chút than sưởi.
Chàng thay ta nghiêm trị đám tiểu thái giám kia, còn để lại toàn bộ bạc tiền trên người.
Thật ra, ta biết chàng là ai.
Chàng là phu tử của Thái tử ca ca, thường xuyên vào cung giảng bài cho Thái tử ca ca và Tam hoàng tỷ.
Bởi vì đám cung nhân đều gọi ta là “ngốc tử Thập Lục”, ta không cam lòng, nên rất muốn mình trở nên thông minh hơn.
Bà mụ mù loà phụ trách giặt y phục từng nói, đọc sách sẽ giúp người ta thông minh, thế là ta hay chui qua lỗ chó, lén đến mé tường của Thượng thư phòng nghe Lục Kính Bạch giảng bài cho Thái tử ca ca và Tam hoàng tỷ.
Chàng giảng thật hay, nhưng ta quá ngốc, nghe bao nhiêu buổi chỉ nhớ được một câu: “Thế sự như một giấc mộng lớn, nhân sinh mấy lượt thu sang.”
Ta sợ quên mất câu thơ đó, nên đã viết nó vào mặt trong chiếc áo ấm nhất, thỉnh thoảng lại lật ra xem.
Trong lòng còn định bụng khi nào có dịp sẽ hỏi Lục Kính Bạch xem câu ấy nghĩa là gì.
Thế nhưng chẳng bao lâu sau, Lục Kính Bạch—người từng mang quà vào cung cho ta—lại đột nhiên trở nên rất chán ghét ta.