3
Ngày Giang Uyển được đưa đi, Lý Thân đang ra ngoài xa xứ.
Giờ đây mới quay về, hắn mới hay tin vị hôn thê của mình đã lên đường tiến vào Kinh thành, chuẩn bị gả vào phủ Bá tước.
Ta vốn tưởng rằng, giữa Lý Thân và Giang Uyển cũng chỉ là mối hôn sự do cha mẹ hai bên sắp đặt, mai mối mà thành.
Nào ngờ, điều khiến ta bất ngờ là Lý Thân lại thẳng thừng từ chối đề nghị của mẫu thân muốn gả ta cho hắn.
Tối đến, cha mẹ gọi ta vào chính sảnh, kể cho ta nghe chuyện giữa Giang Uyển và Lý Thân.
Lý Thân tuy là kẻ cô độc, không người thân thích, nhưng tính tình thật thà chất phác, lại siêng năng cần mẫn làm ăn buôn bán.
Cha mẹ ta rất xem trọng con người hắn.
Họ nhẹ nhàng khuyên nhủ, rằng Lý Thân sở dĩ từ chối, chỉ là vì nhất thời chưa thể tiếp nhận được biến cố đột ngột.
Nếu hắn biết ta dung mạo thế nào, lại dịu dàng hiền thục ra sao, ắt hẳn sẽ đổi ý.
Khoảnh khắc ấy, ta chợt cảm thấy lòng người thật khó lường, thế sự lại càng trớ trêu.
Nếu vài tháng trước có ai nói với ta rằng, ta sẽ lần lượt bị hai nam nhân từ hôn,
Ta nhất định sẽ cho rằng đó là chuyện hoang đường không thể nào xảy ra.
Ấy vậy mà giờ đây dù là thế tử phủ Bá tước, hay đồ tể nơi chợ cá cả hai… đều không cần ta nữa.
“Con gái ngoan, con đừng buồn. Con tốt như thế, là bọn đàn ông kia không có mắt nhìn. Cha mẹ sẽ tìm cho con một người thật tốt khác.”
Mẫu thân dịu dàng an ủi bên cạnh.
Ta khẽ lắc đầu:
“Cha mẹ đừng lo, con… đã không còn muốn lấy chồng nữa rồi.”
Mười mấy năm trước, ta từng coi việc được gả vào phủ Bá tước, trở thành một tiểu thư khuê các không chê vào đâu được, là toàn bộ ý nghĩa cuộc đời mình.
Thế mà chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, mọi thứ bỗng xoay vần như gió cuốn mây bay.
Phụ mẫu mà ta kính yêu như trời, hóa ra cũng chỉ xem ta là một công cụ.
Chân mệnh thiên kim trở về, ta liền bị ném ra xa ngàn dặm, không chút do dự.
Người mà ta từng xem là trượng phu tương lai, cũng có thể quay lưng cưới người khác, coi như ta chưa từng tồn tại.
Mọi điều ta từng trân quý, khi ngoảnh đầu nhìn lại, hóa ra chỉ là hư ảo như mây khói.
Đã vậy… cuộc đời về sau của ta,
Chi bằng sống theo ý mình một lần, cho thỏa lòng mà chẳng cần oán thán điều chi.
Một người đồ tể từ chối ta, thực ra chẳng đáng là gì.
Thậm chí, ta còn có chút kính trọng tấm chân tình không hai nơi hắn.
Nghĩ lại, khi cha mẹ lựa chọn phu quân cho Giang Uyển năm xưa, hẳn là đã thực lòng cân nhắc, suy nghĩ rất nhiều.
Đêm xuống, ta chợt nhớ ra mấy món đồ nhỏ mua ban sáng còn để quên trong phòng cha mẹ, bèn đứng dậy sang lấy.
Từ bên ngoài cửa sổ nhìn vào, thấy cha mẹ mỗi người ngồi một chỗ, cách nhau bởi chiếc giường nhỏ.
Ta vừa định gõ cửa, thì chợt nghe thấy tiếng mẫu thân dịu dàng vang lên:
“Ông nó à, không biết giờ này Uyển nhi thế nào rồi? Con bé từ nhỏ đã quen sống tự do, giờ đến chốn kinh thành phồn hoa như thế, liệu có bị ai bắt nạt không…”
Một lúc sau, phụ thân mới nhẹ giọng đáp, mang theo tiếng thở dài:
“Đừng lo. Uyển nhi lanh lợi hoạt bát, người nơi Kinh thành hẳn sẽ quý mến nó thôi. Huống hồ gì, bên cạnh lại có cha mẹ ruột bảo bọc, chắc chắn sẽ không phải chịu ấm ức gì đâu.”
Ta không rõ mình đã đứng lặng ngoài cửa bao lâu.
Cuối cùng vẫn là xoay người, lặng lẽ quay về phòng mình.
Mấy món đồ… để mai lấy cũng được.
Câu nói của cha mẹ cứ quanh quẩn trong đầu ta suốt cả đêm.
Thật lòng mà nói, ta không hề tức giận.
Chỉ là… có chút đố kỵ. Và ngập tràn ghen tỵ.
Bởi vì ta biết, đôi vợ chồng ở tận Kinh thành kia những người mà ta đã gọi là cha mẹ suốt hơn mười năm trời chắc chắn sẽ không có ai nhớ đến ta như vậy.
…
“Tỷ tỷ, bọn họ nói tỷ biết chữ à?”
Đang lim dim phơi nắng giữa sân vườn, một giọng trẻ con bỗng cắt ngang dòng suy nghĩ của ta.
Ta gỡ chiếc lá đang đắp lên mí mắt xuống.
Một bé gái cột hai búi tóc, tay ôm một cuộn sách, đang đứng bất động nhìn chằm chằm vào ta.
4
Ta đón lấy cuộn sách trong tay nàng.
Trang đang mở chính là bài thơ “Lữ Dạ Thư Hoài” của Đỗ Phủ.
“Sao sa đồng rộng lặng, trăng dậy nước hoang vu.
Bồng bềnh hồn phiêu phất, trời đất một âu cô.”
Vốn là những câu thơ khắc họa nỗi cô đơn không chốn nương thân, vậy mà giờ đây, giữa đổi thay của thế sự, ta lại đọc ra được một cảm giác tiêu dao tự tại, thoát khỏi mọi ràng buộc.
Ta khẽ hỏi nàng:
“Muội thích đọc sách sao?”
Tiểu cô nương gật đầu:
“Nương muội nói, đọc sách là việc tốt.”
Ta có chút bất ngờ.
Ngay cả ở chốn Kinh thành, chuyện nữ tử đọc sách cũng vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi.
Vậy mà tại một thị trấn nhỏ nơi thôn dã này, lại có một cô bé như vậy.
Ta kéo nàng lại gần, đặt ngồi bên chân mình, dịu dàng hỏi:
“Muội muốn hỏi tỷ điều gì?”
Rồi ta kể cho nàng nghe từ thời đại phồn thịnh của Đại Đường đến loạn An Sử, từ tuổi trẻ của Đỗ Phủ cho đến những năm tháng cuối đời ông cô đơn và lưu lạc.
Một giọt nước mắt rơi xuống, đọng lại nơi lòng bàn tay ta.
Mãi đến khi mẫu thân nàng tìm đến, chúng ta mới phát hiện trời đã ngả chiều.
Ngay khoảnh khắc ấy, ta dường như bừng tỉnh ta biết rồi, đời này mình muốn làm gì.
Ta muốn ngắm nhìn khắp núi sông hoàng hôn, cưỡi ngựa hái hoa đi tìm tự do.
Cũng muốn gieo những hạt giống của văn chương và tri thức đến mọi miền xa xôi.
Bởi vì… nữ tử trên đời vốn đã chẳng dễ dàng gì.
Nếu một ngày nào đó rơi vào cảnh bế tắc, chỉ cần có vài trang tiểu sử của những bậc hiền tài đi trước làm bạn, cũng đủ giúp các nàng vượt qua một quãng thời gian mù mịt.
Khi ta đem ý định của mình nói với cha mẹ, phụ thân có chút do dự.
“Nhưng… từ xưa đến nay, chỉ nghe nam tử vào học đường để thi đỗ công danh. Còn nữ nhi, lại lấy vô tài làm đức…”
“Con gái à, cha biết con từng sống ở Kinh thành, từng được mở mang kiến thức, đọc đủ thi thư, không giống như những cô gái nơi thôn xóm này. Nhưng… không phải ai cũng có thể như con đâu.”
Bình thường, cha mẹ rất kiêng kỵ nhắc đến những năm tháng ta sống ở Kinh thành.
Tựa như việc ta trở về bên họ là một điều khiến họ mãi mãi mang nỗi áy náy không thể bù đắp.
Lần này, cha chủ động nhắc đến, có thể thấy chuyện mở nữ học trong lòng họ là điều vô cùng khó khăn.
Nhưng ta không sợ.
Điều mà hiện tại ta có nhiều nhất… chính là thời gian.
Một tháng không xong, thì ta làm một năm.
Một năm không được, thì mười năm cũng không nề.
…
Khi tiết Cốc Vũ năm thứ hai đến, trường nữ học của ta cuối cùng cũng chính thức khai giảng.
Ta thuê một căn viện nhỏ ngay nơi phố xá sầm uất.
Phụ thân ta là người khéo tay, tự mình đóng hơn mấy chục bộ bàn ghế cho học trò.
Ngày khai giảng hôm đó, ta lại gặp một người bạn cũ là Chi Chi, tiểu cô nương từng cầm bài thơ của Đỗ Phủ đến hỏi ta.
Không ngờ, Chi Chi lại là cháu gái mà Lý Thân nhận nuôi, hôm nay cũng chính là do hắn đưa đến học đường.