Phụ thân ta vốn chỉ là một viên quan nhỏ nơi Thục Châu.

Gia cảnh nghèo túng, trong nhà vắng bóng tiếng cười, mẫu thân lại mất sớm.

Cha con nương tựa lẫn nhau, phụ thân ta một lòng mong muốn tìm cho ta một người chồng tới ở rể, để sớm hôm có nơi nương nhờ.

Năm ta mười sáu tuổi, phụ thân dắt về một vị công tử dung mạo tuấn mỹ hơn người.

Dáng vẻ đoan chính yêu kiều, mày mắt sắc sảo như hồ ly, rực rỡ đến mức khiến người ta vừa nhìn đã thần hồn điên đảo.

Ta chẳng kịp suy nghĩ, đã ngây ngốc ôm chầm lấy người, hớn hở quay đầu nói với phụ thân:

“Cha ơi, người này được lắm! Gả cho con đi, để huynh ấy làm rể nhà ta nhé!”

Phụ thân ta nghe xong, trợn trắng mắt, lập tức ngã oạch ra đất, tay chân giơ thẳng lên trời.

Về sau ta mới hay.

Người mà ta ôm vào lòng hôm ấy, nào phải phường thường dân, mà chính là Yến vương Triệu Túc, đệ đệ ruột được đương kim Hoàng đế yêu mến nhất, người đang giữ chức Ngự Doanh Sứ kiêm Phủ doãn Lạc Kinh!

Ngài âm thầm hạ mình đến Thục Châu là để điều tra quan lại tham ô.

Chân còn chưa kịp bén đất, đã bị ta – một kẻ gan to bằng trời – mạnh bạo ôm cổ, kéo về làm… rể nhà mình.

1

Phụ thân ta vốn là một viên quan nhỏ, làm chức Khổng Mục, phụ trách quản lý sổ sách văn thư tại phủ Ân Khánh, lộ Thục Châu.

Mỗi tháng bổng lộc chỉ vỏn vẹn hai quan.

Người Thục Châu nổi tiếng ham ăn, ưa vui.

Thật lòng mà nói, với số tiền ấy, cơm cháo qua ngày còn chật vật.

Ăn cơm quan hai mươi năm trời, túi phụ thân ta chưa từng dư nổi hai xâu tiền.

Lẽ ra, gia cảnh ta không nên khốn đốn đến thế.

Tuy triều Đại Yến coi trọng quan lại mà xem nhẹ lại viên, bổng lộc của quan viên thường gấp mấy lần lại tốt, song người thực sự giải quyết việc dân vẫn là kẻ ở dưới.

Muốn kiếm tiền, dễ như trở bàn tay.

Nào là “phí giấy bút”, nào là “phí sao lục văn thư”… đều là con đường danh chính ngôn thuận để bổ sung thu nhập.

Bởi vậy mới có câu truyền rằng:

“Ở Đại Yến, không có lại mục nào không tham, cũng không có tham quan nào không cấu kết với lại mục.”

Thế nhưng, phụ thân ta lại là ngoại lệ.

Bởi người quá nhát gan.

Quá mức nhát gan.

Kẻ khác thì thu tiền lệ thường, hoặc ngụy tạo văn thư để hại dân, thậm chí có kẻ cả gan cấu kết cùng quan viên, khai khống sổ sách, tham nhũng quốc khố.

Còn phụ thân ta thì chẳng dám.

Người sợ giữa ban ngày đang đi đường, trời nổi sấm đánh cho chết tươi.

Cho nên bao năm qua, dù bị người chèn ép, bức bách, phụ thân ta vẫn chưa một lần sinh tâm tà niệm.

Cũng may mẫu thân ta để lại hai gian cửa tiệm.

Nhờ vào tiền thuê, cha con ta mới không đến nỗi lưu lạc đầu đường xó chợ mà ca hát xin ăn.

Dẫu là vậy…

Phụ thân ta vẫn không yên phận.

Phải rồi, dù nhà nghèo đến mức không dám nuôi chó, phụ thân ta vẫn ôm mộng lớn —

Người muốn kén rể.

Người muốn gả A Lựu cho một vị trượng phu ở rể tốt nhất thiên hạ!

Ngươi hỏi A Lựu là ai ư?

A Lựu chính là ta.

2

Ta tên là Cố Thanh Lựu.

Sở dĩ có cái tên ấy là vì thuở mẫu thân mang thai ta, người cứ thèm ăn lựu mãi.

Mẫu thân ta là Cố Triệu Ngọc.

Ta là nữ nhi của mẫu thân.

Cho nên ta mang họ Cố.

Phụ thân ta là đồng tử dưỡng do mẫu thân tự tay nuôi lớn từ tấm bé.

Người cũng mang họ Cố.

Là vị rể ở rể ưu tú nhất trong tám đời rể của nhà họ Cố.

Phụ thân ta từng phát đại thệ, nhất định phải tìm cho ta một đứa đồng tử dưỡng giỏi giang hơn cả người.

Từ khi ta biết tự cầm đũa ăn cơm, người đã bắt đầu ngó nghiêng tìm người mai mối.

Nhưng góa phụ mang con gái, lại còn muốn cầu rể ở rể.

Nói ra chỉ sợ thiên hạ chê cười, nhà ta nghèo đến nỗi bụi đất cũng không đủ để liếm, đừng nói là kén rể, ngay cả nuôi một con chó cũng khó khăn thay.

Bởi thế, mỗi khi nhắc đến chuyện hôn nhân, chẳng trách bị người ta xua như tà vậy.

Bà mối ban đầu chẳng muốn dính líu, song nghĩ tới cũng là chòm xóm ăn cùng một giếng nước, đành bịt mũi nhận lời cho có lệ.

Ấy vậy mà phụ thân ta lại được nước làm tới.

Kẻ thì chê mũi lệch, người thì bảo mắt xếch, soi ngang lựa dọc, chẳng ai lọt nổi vào mắt.

Trai tráng xem qua mấy vòng, đến miệng người thì không một ai ra hồn.

Bà mối tức đến nỗi tim gan thắt lại, hễ thấy bóng người là cầm chổi lên rượt.

“Còn dám vác mặt tới nữa hả!”

Thật là chọc người đến cực điểm, bà chỉ tay vào mũi phụ thân ta mà mắng như tát nước:

“Đồ chết giẫm nhà ngươi, Cố Nhuận Sinh! Lão nương đời này chắc phạm phải tội gì lớn mới gặp ngươi cái sao hạn thế này!”

Phụ thân ta lại chẳng biết ngượng mồm.

Ngược lại còn ngay thẳng mắng lại bà mối là làm việc bất cẩn:

“Ngươi tìm cho ta mấy đứa nam nhi, mặt mũi vừa thô vừa xấu, thật chẳng nỡ gả A Lựu nhà ta — ngoan ngoãn thế kia, đáng yêu thế kia!”

Bà mối nghe xong tức bốc hỏa ba trượng.

Hai mắt trợn trắng, tay vung cây chổi trúc vèo vèo, rượt cho phụ thân ta chạy khắp nơi:

“Vừa đòi mặt mày tuấn tú, dáng vóc cao ráo, tay chân siêng năng, miệng lưỡi ngọt ngào, gia cảnh lại phải sạch sẽ không cha không mẹ…

Hai đồng tiền thách cưới mà đòi chất cả một gánh điều kiện trên đầu!”

Phụ thân ta ôm đầu mà chạy.

Thế mà vẫn không quên vặc lại:

“Không có tiền thì sao? Đừng khinh người nghèo thuở hàn vi! Con gái ta, A Lựu, có chí lớn, sau này ắt làm nên chuyện lớn!”

“Con bé ngoan ngoãn như thế, đến thần tiên còn muốn cưới về ấy chứ!”

“Ôi trời ơi!”

Bà mối cười gằn một tiếng, vỗ tay bôm bốp, trời đất cũng muốn rúng động:

“Cưới được cưới được, cưới thần tiên về đi cho ta xem!”

Bà mỉa một câu lạnh tanh:

“Nhà họ Cố các ngươi, sớm muộn gì cũng rước được nam tử như thần tiên về làm rể!”

Ban đầu chỉ là câu nói trong cơn tức.

Ai mà ngờ được —Câu đó lại thành lời tiên tri.

Năm ta tròn mười sáu, phụ thân một mình ra ngoài kiểm tra sổ sách, lúc trở về thì dẫn theo một người.

Nhà ta vốn là nhà tổ để lại, diện tích không lớn nhưng cũng chẳng hẹp.

Ấy vậy mà phụ thân ta cứ nhất quyết sắp xếp người đó vào toà tiểu lâu mà ta yêu thích nhất.

Nhìn thấy phòng tương lai của mình bị người khác chiếm mất, ta vừa tan học về đã phụng phịu, mặt mày nhăn nhó.

Không thèm để ý phụ thân can ngăn.

Ta xắn tay áo, hùng hổ đi tìm người kia tính sổ.

Mang theo khí thế bừng bừng, xông thẳng lên lầu hai.

Tay đẩy mạnh cánh cửa gỗ chạm trổ tinh xảo trước mặt.

Ngẩng đầu lên…

Hồn ta như bị câu đi mất rồi a~.