Cố Tố Chiếu.

Ta lặng lẽ lặp lại cái tên ấy trong lòng, tự cảm thấy mình thật có phúc khí, không chỉ cưới được lang quân đẹp đẽ, còn khiến người ta không cần sính lễ, lại đổi cả họ theo ta.

Một lần hai lượt, lòng không khỏi bay bổng như diều gặp gió.

Cố Tố Chiếu cong cong khóe mắt hồ ly, khẽ cười.

Vài nét bút nữa đã hoàn thành hôn thư, người kẹp tờ giấy đỏ ấy vào trong sách, rồi cất lên gác cao.

“Hôn thư này, để vi phu giữ thay nàng.”

Người cúi xuống nhìn ta, vẻ mặt nghiêm túc:

“Nếu không cho ta sống ngày lành tháng đẹp, thì đừng hòng đòi lại.”

“Chàng cứ yên tâm vạn phần!”

Ta đập tay vào ngực, mặt đầy kiêu hãnh:

“Phu quân, ta là nữ tử đầu đội trời chân đạp đất, tuyệt đối sẽ không để chàng chịu đói khổ đâu!”

“Ăn cơm thôi ~!”

Tầng dưới vọng lên tiếng gọi thân quen, ta “tưng tưng tưng” chạy tới cửa sổ.

Trong sân, phụ thân ta vận áo chẽn, tay cầm xẻng bếp, đầu thì nghiêng qua ngó lại, chăm chăm nhìn lên lầu.

Thấy ta ló ra, người liền hắng giọng:

“A Lựu ơi, gọi cái người trên lầu xuống ăn cơm cùng nha.”

“Cha sao lại khách sáo như vậy chứ?”

Ta chu môi, liếc phụ thân một cái đầy bất mãn.

“Phu quân nay đã là người trong nhà, lại chẳng phải kẻ không danh không tính, cứ ‘người nọ người kia’ mãi, nghe mà chạnh lòng lắm đó!”

“Không sao cả.”

Cố Tố Chiếu bước đến bên ta, khẽ mỉm cười với phụ thân ta: “Nhạc phụ đại nhân, tiểu tế Tố Chiếu, xin dập đầu ra mắt.”

Phụ thân ta run rẩy trong chiếc áo chẽn, bỗng chốc bận rộn hẳn lên, cứ như không biết phải làm sao cho phải.

“Lại cái điệu ấy!”

Ta phồng má, nghiêm mặt mà khuyên: “Cha à, phu quân đối với con một lòng chân thật, người không hay đó thôi, chàng đã quyết định đổi cả họ rồi!”

“Đổi họ ư?”

Phụ thân ta mờ mịt hỏi lại: “…Đổi sang họ gì?”

Ta nghiêng đầu, đắc ý mỉm cười.

“Phu quân bảo rằng xuất giá tòng thê, từ nay về sau, chàng sẽ mang họ Cố giống con đó!”

“Cái… cái gì?!”

Phụ thân ta kinh hãi đến độ cất cao cả giọng.

Ánh mắt ngây ngốc chỉ thẳng vào người đứng bên ta, như thể hồn vía đều bay lên mây:
“H-h-hắn… đổi họ Cố ư?!!”

Ta gật đầu chắc nịch.

“Choang!”

Chiếc xẻng trong tay phụ thân rơi cái “keng” xuống dưới chân.

5

Ngày đã thành thân, quả nhiên không giống thuở trước.

Trước kia trong nhà chỉ có hai cha con ta, mỗi người thu xếp phần mình, ăn xong bữa sáng là lại ai lo việc nấy.

Người điểm danh thì ta đi học, đến trưa thì cha lại chạy qua nhà bếp công để ăn cơm.

Ngày tháng trôi qua cứ như nước trong chum, êm mà nhạt nhẽo.

Giờ thì trong nhà đã thêm một người.

Chuyện chi cũng phải tập làm quen.

Mới được nghỉ hai ngày, ta lại phải tới thư đường học tiếp.

Không còn cách nào khác, cha ta đã nộp tiền học rồi — Cho dù chỉ là để ăn cơm, ta cũng phải ăn cho đáng đồng bạc.

Vậy nên ban ngày chỉ đành để Cố Tố Chiếu một mình trông nhà.

Trong lòng không khỏi vướng bận.

Trước lúc ra cửa, ta mang cặp sách trên lưng, tất tả chạy đến phòng chàng.

“Trong nồi có cơm nóng, phu quân chớ để bụng đói.”

“Bình có nước ấm, phu quân đừng để khát.”

“Trong phòng có sách, trên tủ có bánh.”

“Dao kéo trong bếp chớ có chạm, ai ngoài cửa gõ cũng chớ có đáp…”

Ta từng câu từng lời căn dặn, lưu luyến chẳng muốn rời.

Cố Tố Chiếu chẳng hề thấy phiền, ôn hòa đáp lại từng điều, rồi bất chợt đưa tay chỉ lên trời, khẽ nói: “Sắp muộn rồi đó.”

Ta ngơ ngác: “Cái gì muộn cơ?”

Mỹ lang quân bật cười khẽ, thần sắc ung dung: “…Tất nhiên là nương tử sắp trễ giờ học rồi.”

A! Hỏng rồi!

Ta ngẩng đầu xem trời, giật nảy mình.

Quả thực là sắp muộn thật!

Không dám nấn ná thêm lời, ta xoay người lao ra ngoài như gió.

Vác theo cặp sách mà chạy, liếc mắt nhìn đã thấy phụ thân trong bộ áo chẽn màu sẫm, hai tay chắp sau lưng, từ sớm đã thong dong đi được một đoạn.

Ta hớt hải rảo bước đuổi theo.

Từ nha môn đến tư học cách hai con phố, cha vừa kịp đến điểm danh phút cuối, còn ta vì đến trễ mà bị tiên sinh mắng một trận nên thân.

Mặt mũi ỉu xìu, ta ngồi xuống chỗ bên cửa sổ.

Lấy từ túi sách ra bản sao khắc bia Cửu Thành Cung, ta thuần thục trải giấy trúc, xắn tay áo lên, chuẩn bị bắt đầu học bài.

Tiết học này là thư học, luyện tập theo thể Đại Âu.

Ta chấm mực vào bút, trong lòng ngậm ngùi cảm thán: Xưa có Đường Huyền Tông vì Dương Ngọc Hoàn mà bỏ triều sớm, nay có ta – Cố Thanh Lựu – vì Cố Tố Chiếu mà trễ mất giờ đến thư đường.

Không hổ là đất Thục, thật là chốn bảo địa.

Quê nhà của Ngọc Hoàn cách phủ Ân Khánh ta cũng chỉ độ vài trăm dặm.

Xua tan mấy lời thầm lẩm nhẩm trong đầu, ta bèn nín thở tĩnh tâm, bắt đầu luyện chữ.

Nào ngờ, vừa mới hạ bút viết được hai nét ngang dọc thì ngoài hành lang chợt vang lên tiếng giày da đen lộc cộc.

Ta bực dọc quay đầu nhìn ra.

Lão phu tử dạy toán là Hoàng tiên sinh liếc mắt nhìn ta đầy ẩn ý, rồi ung dung bước đi.

Một giọt mực rơi xuống, nhuộm vết đen thẫm trên tờ giấy trúc.

Trong đầu ta như có tiếng “ong” vang vọng.

Xong đời rồi!

Chẳng trách nãy giờ lòng cứ thấp thỏm không yên.

Là cha của Oanh Oanh nhi tới rồi!

6

Trông thấy phụ thân của Oanh Oanh nhi – khuê mật của ta tại thư đường, tâm trí ta bấn loạn cả buổi, đến lúc tan học cũng chẳng đợi phụ thân tới đón, mà một mạch phóng như bay đến phủ nhà họ Hoàng.

Mẹ nàng Oanh Oanh đang trông quầy rượu gạo bên bờ sông.

Qua bên này cây cầu đá, thấy ta hớt ha hớt hải chạy tới, bà liền “phụt” một tiếng bật cười:

“A Lựu đó à, mấy hôm nay chẳng thấy bóng, chạy đi đâu lẩn trốn rồi hử?”

Ta dừng lại trước quầy, thở hồng hộc:

 “Con nào có đi đâu, Mai Hương thẩm, Oanh Oanh nhi có ở nhà không vậy?”

“Có chứ, nhưng tâm tình không được tốt lắm, e là con sẽ bị dằn trận một phen!”

“Ai cha, vậy phải làm sao bây giờ…”

Ta than thở, mặt mày ủ ê.

“Cũng tại con mấy bữa rồi chẳng đến tìm nó.”

Mẹ nàng liếc ta, nét mặt đầy vẻ hả hê:

 “Hôm trước con còn nói thèm ăn rượu ngọt, người ta tự tay nấu lấy, cùng Mộc Lan chờ con mấy ngày liền đó biết không!”

Vừa dứt lời, trong nhà vang lên tiếng nạt nộ: “Đừng có bịa chuyện!”

Oanh Oanh nhi tung rèm bước ra, vẻ mặt giận dỗi: “Ai chờ nàng ta chứ? Ta chờ con chó kia!”

Nói xong lại “hừ” một tiếng, xoay người trở vào phòng.